Chim Cát

CHIM CÁT

(Theo một câu chuyện thật)






Ban ngày em sẽ gặp anh như trước.

Em sẽ tìm thấy anh đang đợi ở bãi biển,

Đang xây những lâu đài trên cát ướt,

Trong một thế giới mà không ai hiểu cả,

Vào buổi sáng.

Đấy là buổi sáng trong cuộc đời anh...


— Lời bài hát của ban nhạc Bee Gees






"Cho tôi một chỗ để đứng, và tôi sẽ xê dịch Trái Đất" — Ác-xi-mét


Chứ không phải là "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng cả trái đất!" — như ai đó đã từng vừa dịch vừa xuyên tạc theo ý mình, vừa thậm chí còn đem in được vào sách, thậm chí — nếu tôi nhớ không nhầm — còn là sách giáo khoa.


"Cho tôi một chỗ để đứng..."


Ai, kể cả những người vui vẻ hớn hở và có điều kiện để vui vẻ hớn hở nhất, cũng sẽ có những lúc cảm thấy cuộc đời này thật là tăm tối, thế giới này thật là chật chội; hay rộng rãi, nhưng không có chỗ cho mình — tức là còn tệ hơn. Ở đây không có chỗ cho tôi, thì tôi sẽ bỏ đi, — không biết có phải đấy là logic không, và nếu có thì cũng không đúng: vì chúng ta còn đi đâu được nữa, nhưng chúng ta thường vẫn bỏ đi.


Ai cũng có một — thường là một vài — chỗ cho riêng mình. Những lúc như thế, chúng ta hay "bỏ đi" đến những chỗ như thế. Và với một xác suất mà theo tôi là lớn, thì những chỗ đấy thường hay ở gần nước...


"Một chiều em đứng cuối sông, gió mùa thu rất ân cần..."


"Những đầm nước trong veo, hàng liễu e ấp như những thiếu nữ lặng lẽ bên bờ..."


Văn sĩ, thơ sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ... — những người vẫn thường hay thay mặt cho chúng ta để bi bô về chuyện này chuyện kia, — rất hay nhắc đến nước. Có lẽ vì chúng ta là động vật, và động vật ngày xưa được sinh ra từ dưới nước, rồi bò dần lên, cho nên những lúc em chã, thì có cái gì đấy từ sâu bên trong, chắc còn sâu hơn cả tiềm thức, sẽ tự động đẩy em tìm về gần gần chỗ cái nôi.


Cô bé ấy mới sáu tuổi lúc lần đầu tôi gặp nó trên bãi biển, cách hơn chục cây số từ thành phố nơi tôi sống, vào một lúc tôi đang "nhớ nước" như thế.


Những ngón tay nhỏ nhắn, hồng lên, đang chăm chú xây lâu đài trên cát, — một cái phức tạp, có thành lũy nguy nga tòa ngang dãy dọc, vài ngọn tháp còn được cẩn thận rỏ bằng cát ướt hẳn hoi, quả là một sự gắng gỏi, — nó ngẩng lên, cặp mắt long lanh:


— Chào chú. — Nó nói, như đã quen.


Tôi chỉ khẽ gật đầu, — tôi đang không ở trong tâm trạng muốn trò chuyện với một đứa bé.


— Cháu đang xây lâu đài... — Nó vui vẻ, chắc khoe.


— Chú biết, lâu đài gì đây? — Tôi hỏi, câu hỏi tự văng ra, không nghĩ gì cả.


— À... — nó nghĩ, rồi cười, — cháu cũng không biết, cháu cứ xây thôi, và... tay vục vào cát, cháu thích.


Hình như tôi bỗng thấy thoải mái hơn, tôi tụt giầy...


— Niềm vui đấy! — Chợt nó reo lên.


— Cháu bảo gì cơ?


— Niềm vui đấy, — nó chỉ một con chim trông như con cuốc, có bộ lông nâu như lông vịt, hai chân cao gầy đầu gối củ lạc, và cái mỏ dài nghêu mảnh mai sẫm màu, đang chạy tấp tểnh bước ngắn bước dài, trông như vừa chạy vừa nhón chân, bên bờ nước, — Mẹ cháu bảo Chim Cát mang Niềm vui đến...


— Chim Cát?


— Vâng, nó là Chim Cát.


Con chim bay vù đi. "Vĩnh biệt Niềm vui," tôi lẩm bẩm, "xin chào nỗi buồn," tôi quay người định bỏ đi.


— Còn chú tên là gì? — Nhưng nó vẫn chưa chịu thôi.


— Chú tên Phương.


— Còn cháu là Thư cháu sáu tuổi.


— Chào Thư cháu sáu tuổi. — Tôi nói đều đều không có trọng âm.


— Chú buồn cười thật. — Nó khúc khích.


Tôi cười, cười vui vẻ thật, giơ tay làm động tác chào nó, rồi tôi bỏ đi. Nó vẫn cười khúc khích tiếp...


— Lần sau chú cứ đến đây nhá... — nó gọi với theo, — Chim Cát sẽ lại đến đấy.


Vài tuần, với bọn lính mới vô lo và vô duyên ở văn phòng, ông phụ trách khó tính, điện thoại, giấy tờ, chạy đôn chạy đáo, những lời khiển trách, tắc đường, những cuộc họp, mỏi, ngáp, và một người mẹ đang nằm viện. Một buổi sáng tôi nhìn thấy ánh nắng, ánh nắng mặt trời chiếu qua khuôn cửa kính lên hai bàn tay tôi ở trong chậu rửa bát. "Chim Cát..." tôi lẩm bẩm, rồi tìm áo khoác.


Mùi nước, mùi muối, và mùi cát, — những mùi vị dường như không bao giờ thay đổi, — vẫn đợi chờ tôi. Gió thổi nhẹ và lạnh, tôi cứ đi trên cát, phóng mắt nhìn trời, nhìn nước, tai lắng nghe tiếng sóng, cố để đầu óc được trống rỗng... Nên tôi đã giật mình khi Thư xuất hiện.


— Chào chú Phương. — Nó bảo, — chú có muốn chơi không?


— Chơi cái gì? — Tôi hỏi, hơi khó chịu vì bị làm phiền.


— Cháu không biết... — nó ấp úng, — chú nói đi.


— Chơi đố chữ vậy nhá! — Tôi giễu.


— Cháu không biết trò đấy. — Nó tần ngần.


— Thế thì hãy đi dạo thôi. — Nhìn những nét thật thà trên gương mặt nó, tôi thấy hơi áy náy.


— ...


— Nhà cháu ở đâu?


— Ở đằng kia. — Nó chỉ dãy nhà nghỉ mùa hè.


Tôi hơi dướn mày, — đang là mùa đông.


— Ở đây... đi học có xa không?


— Cháu không phải đi học, cháu vẫn đang được nghỉ.


Cô bé đã líu lo nói đủ thứ chuyện trong lúc chúng tôi đi bộ dọc theo bãi biển, nhưng đầu óc tôi lúc ấy còn đang ở tận đâu đâu. Lúc tôi chuẩn bị về, Thư nói với tôi đây là một ngày thật hạnh phúc. Hơi ngạc nhiên, tôi cười, và đồng ý với nó.


Ba tuần sau, tôi phóng xe đến bãi biển trong một tâm trạng gần như hỗn loạn. Tôi hoàn toàn không muốn gặp hay chào hỏi bất cứ ai. Hình như tôi đã nhìn thấy chắc là mẹ Thư, đang dắt tay cô bé ở gần một cánh cổng và tôi gần như đã muốn yêu cầu mẹ cô bé giữ cô ở nhà.


— Thư, nếu cháu có thể... — Tôi bảo lúc nó lại tới gần tôi, — Hôm nay tốt nhất là... chú muốn ở một mình.


Tôi thấy nó nhợt nhạt một cách khác thường, và hơi thở nó gấp gáp:


— Sao thế ạ? — Giọng nó không đều.


Tôi gần như đã quát lên với nó: "Vì mẹ chú vừa chết!" và vẫn kịp nghĩ "Trời đất, sao tôi lại nói chuyện này với một đứa bé?"


— Ôi... — Giọng nó nhỏ nhỏ, — vậy là một ngày xấu.


— Đúng rồi! — Tôi lại nổ tung ra. — Và hôm qua cũng xấu! Hôm kia cũng xấu!.. Cháu đi chơi đi!..


— Có đau không ạ? — Nó rụt rè...


— Cái gì có đau không?!! — Tôi lộn tiết với nó, và với mình.


— Lúc bà chết ấy ạ?


— Dĩ nhiên rồi. Đau! Đau lắm!!! — Tôi gần như hét lên, cảm thấy khó hiểu và khó xử... Tôi vội vàng bỏ đi.


Khoảng một tháng sau, tôi lại đến bãi biển, không thấy nó ở đấy. Bây giờ tôi thấy sượng sùng, và thú thật, tôi thấy nhớ cô bé. Đi dạo một hồi, tôi đến chỗ cánh cửa hôm trước, và nhấn chuông. Một người phụ nữ còn trẻ, đẹp mặn mà, với mái tóc dày đen mướt, ra mở cửa cho tôi.


— Chào chị. Tôi tên là Phương. Hôm nay tôi không gặp con... cô gái nhỏ... ở trên bãi biển, tôi muốn hỏi...


— Ôi, vâng, anh Phương, mời anh vào đây. Cháu Thư đã nói rất nhiều về anh. Tôi còn lo tôi đã để cháu quấy rầy anh. Nếu cháu nó có phiền, anh cho tôi xin lỗi...


— Không đâu chị, cô bé hay lắm, — tôi thấy mình đang nói hoàn toàn rất thật lòng, — nó đang ở nhà chứ?


— Anh Phương... cháu Thư mới mất tuần trước. Cháu bị bệnh máu trắng... vậy là cháu không nói với anh.


Câm lặng, tôi quờ quạng ngồi xuống một chiếc ghế. Hơi thở của tôi cứ ứ lên.


— Nó thích bãi biển này, nên nó muốn đến đây, chúng tôi không thể không chiều cháu. Cháu bảo ở đây cháu có rất nhiều... cháu luôn gọi là... "những ngày hạnh phúc". Nhưng... những tuần cuối, sức khỏe của cháu... cháu yếu đi rất nhanh.


— ...


— Cháu để lại một cái gì đó cho anh... nếu tôi có thể tìm thấy. Anh chờ một lát... để tôi xem.


Tôi ngây độn gật đầu, cố nghĩ ra một điều gì đó, bất kỳ điều gì, để nói với người mẹ trẻ xinh đẹp này.


Cô đưa cho tôi một cái phong bì hơi nhọ nhem, có chữ "Gửi chú Phương" được viết tô đậm bằng nét bút trẻ con không cứng nét. Bên trong là một bức vẽ bằng bút chì màu với những màu sắc sáng sủa: một bãi biển màu vàng, mặt nước biển xanh, và một chú chim màu nâu. Bên dưới có dòng chữ in được viết rất cẩn thận: CON CHIM CÁT NÀY SẼ MANG NIỀM VUI ĐẾN CHO CHÚ.

Đã có 2 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),

Anonymous bi bô...

motiv cũ, nhưng viết rất hút ... rồi trầm lắng 1 nỗi buồn đồng cảm với nhân vật "tôi".
Cảm ơn dao-hoa-daochu!

Đim-ma bi bô...

Y chơi nhạc cổ điển, thích hội họa high renaissance, thơ Đường, gái hơi béo... híp-hốp và ráp y gọi là "nhạc khỉ", thơ tân hình thức y gọi là "động vật online ấn enter", gặp ai hay nói "sáng tạo" và "đổi mới" thì y bảo "bướm hắt hơi"...

Bản thân y chính là một motif cũ. :)

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...