Gan ruột với rừng

          Chả phải nói ai cũng có thể hình dung rừng Tây Nguyên ngày xưa nó như thế nào. Và bây giờ nó như thế nào ai cũng hình hình dung rồi. Nhưng phải rạch ròi ra, rằng là ai phá rừng nhiều nhất. Không phải dân đâu, dân rất yêu rừng, nhất là những người dân Tây Nguyên bản địa, họ có những quy ước, luật tục rất nghiêm ngặt để giữ rừng, để rừng luôn chở che cho con người, để con người, dẫu rợn ngợp, nhỏ bé, dẫu thấy rừng bí hiểm và âm u, vẫn tin tưởng dựa vào rừng, sống cùng rừng trong mối quan hệ tương hỗ bền chặt và thân thiện.

          Thời ấy, năm 1981 của thế kỷ trước, tôi là gã sinh viên mới ra trường, xung phong lên Tây Nguyên công tác. Và cả năm trời đã ngơ ngác với cảnh rừng viền quanh thành phố, chỉ bước ra mấy bước chân là đã thấy rừng. Từ Pleiku lên Kon Tum (thời ấy còn chung một tỉnh) 45 cây số, chạy xe ban đêm lổn nhổn thỏ rừng. Lái xe dừng lại, thỏ đóng đèn đứng im, thế là... tóm. Xuống làng thì khỏi nói, rừng bao quanh làng, che chở làng, và bình yên cùng làng.

          Rồi chúng ta bắt tay xây dựng.

         Chả nói đâu xa, ngay thành phố Pleiku hồi ấy, cây xanh cổ thụ rất nhiều, có nhiều phố cây giao tán khiến con đường như cái ống chạy dưới hun hút màu xanh. Và, người ta đã phá sạch chúng để cải tạo phố, để bê tông, nhựa, và phố hóa. Nghe nói có bác còn tuyên bố: Bao nhiêu năm chiến tranh chúng ta ở trong rừng, mơ ước một ngày ra phố, thì giờ phải làm cho phố ra phố, chứ phố như rừng thì cả cái quãng đời ở trong rừng thành ra công cốc à?

          Có lần xuống huyện Chư Prông công tác, cách Pleiku chưa đầy 30 cây số, một chiều mùa khô chạng vạng, tôi còn gặp một con hổ rất lớn, vằn vện yểu điệu thong thả bước qua đường, trước mũi xe Uoat của chúng tôi. Lần đầu tiên tôi thấy vẻ đẹp của con hổ, thấy sự đài các, thảnh thơi của nó, và không nghĩ nó có thể là loài vật hung ác...

          Nhưng giờ, chả cứ hổ, loại ấy từ lâu đã vắng bóng rồi, mà cả rừng, rừng Tây Nguyên ấy, đã không còn nữa. Cả vài chục năm trước đã thấy truyền tụng cái câu: Nhà nước và nhân dân cùng phá rừng, và, về cơ bản chúng ta đã hoàn thành việc phá rừng.

          Tôi cùng ông bạn từng là Tổng biên tập báo Gia Lai, nguyên là bí thư huyện Chư Sê vừa lội vào vùng lõi của rừng già huyện Chư Pưh. Phải nói là vô cùng đau lòng, vô cùng xót ruột, khi mà chỉ mới dăm năm trước đây vẫn là rừng nguyên sinh, và giờ, nó như một cái đầu của đứa bé bị chốc, mẹ vụng cắt tóc cho con nham nhở. Ở đây không phải là nham nhở vì rừng xen kẽ đất, mà là nham nhở bởi đất đá nham nhở xen kẽ những gốc cây, những cái hố hoang hoác người ta đánh cả gốc cây đi. Phong trào chơi gốc cây hiện nay lại đang nở rộ, tất nhiên, có sự ảnh hưởng của việc hết gỗ. hết nạc vạc đến xương...

Tôi kể với nhà văn Nguyên Ngọc là trong cuộc lội rừng hôm qua ấy, làng giờ vơ váo lắm, chỏng lỏn giữa nắng, giữa bụi, cô đơn và thất thểu. Ông Ngọc bảo, với người Tây Nguyên, giữa làng và rừng có 4 cấp độ, chính xác là bốn vùng. Một là làng, hai là rẫy, ba là rừng để người ta vào lấy cái tổ ong, bắt con thịt... và 4 là rừng ma, rừng thăm thẳm ấy. Làng chiếm ít rừng nhất, chỉ là chỗ để ở, mỗi làng chừng mươi mười lăm nóc nhà, không có vườn. Rẫy cũng ít, đồng bào làm rẫy cố định, gọi là du canh nhưng khi đất bạc màu thì họ du cư, đến lúc nào đấy, rẫy hồi sinh thì họ quay lại, hoặc không quay lại thì rừng ở đấy cũng tái sinh rất nhanh, bởi xung quanh vẫn là rừng để dìu cây ở khu rẫy này nhập bọn. Cái hình ảnh rừng dìu cây tái sinh khiến tôi à lên thích thú, bởi tôi đã chứng kiến những khu rừng bị phá làm rẫy như thế, chỉ sau dăm mùa, rừng lại lên rất nhanh, và nó đủ chủng loại, dìu nhau mà lớn, mà phát triển, trong khi cái gọi là rừng chúng ta trồng, nhất là vào những dịp “tết trồng cây” thì chả đã có câu thơ rất vui từ thời nào đấy thôi: “Hoan hô các cụ trồng cây/ mười cây chết chín một cây gật gù”. Còn phần thứ 3 là rừng lân cận, là nơi dân làng thi thoảng ghé vào, vừa là khách, vừa là chủ, họ không xâm hại đến loại rừng này bao nhiêu, bởi những thứ họ lấy ở đấy rất nhỏ nhoi và không lấy thì nó cũng sẽ tự hoại. Đây là chỗ mà chúng ta hay nghe nói là người Tây Nguyên nếu thấy một tổ ong, một loại gì ăn được, họ chỉ cần đánh dấu vào đấy, thế là sẽ không có ai xâm phạm vào nữa, bởi nó đã có chủ. Và nên nhớ, mỗi làng Tây Nguyên như thế đều có già làng với hệ thống luật tục rất chặt chẽ, nếu ai xâm phạm sẽ bị làng phạt. Mà dân làng thì rất tự trọng và ý thức cộng đồng rất cao, nên rất sợ bị làng phạt. Và vì sợ nên không bao giờ xâm phạm. Thứ tư là đại ngàn, là cái nơi họ biết là của họ nhưng họ chỉ từ xa ngắm, hoặc có vào thì cũng chỉ như khách, và họ thờ cúng, họ coi đấy là nơi trú ngụ của thần linh, là nơi thần linh quan sát họ, theo dõi đời sống của họ, nhất cử nhất động họ sống thế nào thần linh đều biết, và vì thế mà họ luôn cố gắng sống tốt... Cứ thế người và rừng hòa quyện nương tựa nhau, tôn nhau và tồn tại và phát triển.

Người ta thống kê có mấy giai đoạn rừng bị phá dữ dội nhất. Tất nhiên là đều có lý do khách quan, lý do chính đáng, những lý do giờ nghe lại có vẻ buồn cười, vô lý nhưng hồi ấy cực kỳ có lý, cực kỳ chính đáng.

          Đầu tiên là trồng sắn cứu đói. Cả nước đói, và phải tự túc. Tây Nguyên, và một số tỉnh “có điều kiện” như Bình Trị Thiên chẳng hạn, tự túc bằng sắn. Sắn được trồng bạt ngàn, nhà nhà trồng sắn, người người trồng sắn, nông dân trồng sắn, cán bộ công nhân viên trồng sắn, sinh viên trồng sắn, học sinh cũng được huy động trồng sắn... Sắn trở thành thứ lương thực chủ lực ngày ấy, giúp cả dân tộc qua cơn đói, và, rừng cũng kịp tuẫn tiết theo sắn...

          Sau đấy là việc thành lập các liên hiệp lâm nông công nghiệp mà liên hiệp lâm nông công nghiệp Đăkglay là một ví dụ. Hồi ấy riêng ở Gia Lai Kon Tum có đến 2 liên hiệp như thế, một là Đăkglay và 2 là Kon Hà Nừng. Cả 2 nơi này đều là rừng nguyên sinh. Đăkglay là rừng Ngọc Linh vĩ đại với đỉnh Ngọc Linh quanh năm mây phủ, từ dưới ngước nhìn lên chỉ thấy thăm thẳm xanh, và Kon Hà Nừng cũng vậy, rừng già thâm u, nơi đây có khu căn cứ địa của cách mạng thời chống Mỹ, gọi là thị trấn Dân Chủ. Tận năm 85, tôi đi cũng ông Núp và ông Nguyên Ngọc vào đây, giữa trưa mà vẫn ngước cổ mãi mới thấy vài sợi nắng xuyên, còn lại thì nước cứ nhỏ tí tách dưới tán rừng. Thế mà chỉ sau mấy năm, giờ toàn đường nhựa với nhà cửa san sát. Chưa ai thống kê thử xem các liên hiệp kiểu này làm được những gì, chỉ biết chắc chắn, rừng bị phá vô tội vạ, phá kinh hoàng...

          Mới đây nhất là chủ trương phá 50 nghìn héc ta rừng nghèo để trồng cao su. Vụ này cũng khủng khiếp đến không tin nổi. Biết là không còn rừng già, người ta nghĩ cách tấn công rừng nghèo. Mà với Tây Nguyên, khái niệm rừng nghèo rất là tương đối. Người ta tính rừng giàu nghèo là tính theo trữ lượng, theo kinh tế. Nhưng rừng không chỉ là kinh tế, nó là văn hóa, là đời sống xã hội gắn với số phận con người, cộng đồng dân tộc.

          Bởi rừng không chỉ là gỗ. Nó là kết tinh của kinh nghiệm sống của con người từ rừng, phản chiếu ở rừng, và ứng xử với rừng. Nó chính là văn hóa, là sự kết giao giữa rừng với con người, nó gắn chặt với con người Tây Nguyên từ đời này sang đời khác, làm nên một bản sắc văn hóa, một văn minh rừng thông qua hệ thống luật tục với rất nhiều điều lý thú và bổ ích mà những con người sống cùng rừng chết cùng rừng tự nguyện làm theo.


          Rừng không chỉ là gỗ. Người ta gọi rừng khộp chẳng hạn, là rừng nghèo là cách gọi lấy được. Ngoài gỗ, rừng còn nhiều động thực vật khác sinh sống, còn giá trị bao phủ, bộ rễ của rừng chính là một cái bể chứa nước khổng lồ không chỉ phục vụ cho Tây Nguyên mà cả miền Trung và tận đồng bằng Sông Cửu Long. Rừng nó là ký ức đời sống của nhân dân, nó phải là sự đa dạng của các loại động thực vật ở đấy. Nhà văn Nguyên Ngọc rất có lý khi nói rằng: Lâu nay ta nói trồng rừng, nhưng thực ra đấy chỉ là trồng cây. Rừng phải là nhiều loại cây con hợp thành, chứ chỉ có mọt loại nó không phải là rừng. Nhiều loại, loại này hỗ trợ nâng đỡ nuôi dưỡng kèm cặp loại kia để cùng tồn tại, dù đấy là cuộc tồn tại khốc liệt. Nhưng nó đã sinh tồn và phát triển trong sự khốc liệt ấy. Và văn hóa Tây Nguyên, làng Tây Nguyên, con người Tây Nguyên đã hình thành, tồn tại và phát triển song hành trong sự tồn tại và phát triển của rừng như thế. Nói đến làng Tây Nguyên mà không nói tới rừng là chưa thành làng. Nó gắn quện, nó hỗ tương, nó tạo nên hẳn một nền văn hóa lấy rừng làm đối tượng để mà thờ cúng và tôn thờ. Sau này chúng ta định cư, nhiều làng  của người Tây Nguyên bị bứng khỏi rừng, vì nhiều lý do, và những ngôi làng đều tăm tắp như thế nó mất hẳn cái hồn cái cốt của làng, mất hẳn sinh khí, sự hiền hòa đáng yêu vốn có. Và ngay cái việc UNESSCO phong tặng di sản văn hóa phi vật thể cho cồng chiêng Tây Nguyên cũng đâu có phải là cho riêng cồng chiêng, mà là cho không gian văn hóa ấy, mà không gian văn hóa của Tây Nguyên, của cồng chiêng, chính là làng và rừng, làng gắn với rừng.

          Chúng ta, về cơ bản, đã làm xong cái việc tách làng ra khỏi rừng.

          Rồi thủy điện. Tất cả hệ thống sông ngang dọc Tây Nguyên đều trở thành “dòng sông ánh sáng”- cách gọi mỹ miều một thời. Giờ người ta mới biết, nó gây ra bao tai họa cho con người. Từ việc ai ai cũng có thể làm thủy điện, chưa phân biệt Roto với Stato, chưa phân biệt điện 220 với điện 110 cũng bỏ tiền làm thủy điện, để như, thủy điện Ia Krel mấy lần vỡ đập thiệt hại vô kể xử lý giờ chưa xong. Ngay cả ngành điện làm thì cũng tan nát như thủy điện An Khê Ka Nak mà lâu nay dân kêu trời khi lấy nước sông Ba đổ vào sông Côn, một việc mà nghe nói trên thế giới chưa ai làm thế, mà một đại biểu quốc hội tỉnh Gia Lai nói giữa hội trường quốc hội là “sai lầm thế kỷ”. Theo thống kê, thủy điện phá rừng cũng rất kinh khủng. Và các chủ dự án thủy điện cũng nhắm vào khoản gỗ được phá công khai này để thu hồi vốn chứ chưa chắc họ đã thực tâm làm thủy điện. Mà có ngay thực tâm thì số diện tích rừng phải hy sinh cho thủy điện là không hề nhỏ...

          Và không thể không nói đến thói quen của con người. Càng ngày con người càng có những thói quen... tốn kém. Ấy là sử dụng gỗ xịn để làm nhà và vật dụng trong nhà, là thích ăn thịt rừng, cứ đồn nhau thịt rừng bổ và hên, thế là ào ạt chén. Và phải thú thật với nhau, dân thường không dễ ăn những thứ này. Cũng phải như thế nào mới được ăn cái thứ cấm từ hồi nảo hồi nào nhưng càng cấm càng... dễ kiếm.

          Bây giờ thủ tướng ra lệnh đóng cửa rừng. Toàn dân hoan hô, nhưng tìm cửa rừng để đóng khó quá, bởi chỗ nào cũng đã thành cửa rồi. Và ngay khi lệnh ban ra chưa lâu thì đã liên tiếp xảy ra mấy vụ chống lệnh. Đấy là lâm tặc không nói. Ngay trong xử lý lệnh này cũng đang có những cái vướng. Ví dụ những dự án liên quan đến rừng đang dang dở. Rất nhiều hộ dân không có đất sản xuất, mà như thiếu tướng Trần Đình Thu, phó ban chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu trong một hội thảo thì là “có đến hơn 2000 hộ dân Tây Nguyên đang không có đất sản xuất, chúng tôi đang rất đau đầu, bởi nếu cấp đất cho bà con làm ăn thì lại phải... phá rừng”...

Tại hội nghị chuyên đề về công tác quản lý bảo vệ rừng do Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức ngày 15 tháng 8 tại Pleiku do đích thân bí thư tỉnh ủy và 2 phó bí thư đồng chủ trì, các báo cáo cho biết, riêng từ năm 2011 đến 2015, diện tích rừng trên địa bàn Gia Lai giảm 3.089,2 ha, trong đó khai thác 945 ha, cháy 656,9 ha, phá làm nương rẫy 344,2 ha, chuyển đổi mục đích sử dụng 757,2 ha và các nguyên nhân khác 385,8 ha. Các cơ quan chức năng đã bắt giữ và xử lý 6.823 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng, khởi tố hình sự 134 vụ, tịch thu 15971,64 m3 gỗ các loại, thu 133,46 tỷ đồng tiền phạt và bán lâm sản; phát hiện và ngăn chặn xử lý kịp thời 364 vụ phá rừng với diện tích  thiệt hại 429,7 ha…

Nhưng dù sao thì những tín hiệu tốt lành cũng đã đến. Ấy là rừng không còn bị phá nữa, và người ta sẽ có ý thức giữ rừng. Ngay việc chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho dừng việc trồng cỏ và hoa để trồng cây, cho phát triển thành rừng ở ngoại ô, ở các đường vành đai Hà Nội cũng là một ý tưởng rất hay. Hãy hình dung, lúc ấy, nhô ra khỏi phố, ta lạc ngay vào rừng, đụng ngay thiên nhiên thanh sạch. Hay mới nhất, bí thư thị xã Ayun Pa (Gia Lai) vừa điện nhờ tôi hỏi thăm tìm cây giống để trồng một con đường toàn cây Kơ nia tại thị xã. Ngày xưa nó là cây rừng, từng là biểu trưng của người Tây Nguyên qua bài hát của Ngọc Anh và Phan Huỳnh Điểu, giờ nó hiếm đến mức mà ngay ở Ayun Pa, xứ sở của nó, phải điện ngược lên Pleiku nhờ tìm cây giống. Cũng như thế, rất nhiều thế hệ học sinh, giáo viên ở ngay Tây Nguyên học và dạy về cây Xà Nu trong tiểu thuyết “Rừng xà nu” mà có biết nó là loại cây gì đâu, toàn hình dung lung tung. Có bạn còn nghĩ nó là Pơ lang, bạn lại bảo nó chính là Kơ nia... Giờ, những khu rừng xà nu bạt ngàn mạn Đăkglay dạo nào cũng đã hết, tất nhiên không phải do... chiến tranh. Cũng may, phía Măng Đen của huyện Kon Plong (Kon Tum) hiện giờ còn rất nhiều xà nu (thông) và chính điều ấy đang biến nơi đây thành Đà Lạt thứ 2 của Tây Nguyên. Cả tỉnh Kon Tum giờ đang tập trung chăm chút cho vùng đất này, hy vọng nó sẽ bật lên từ thế mạnh du lịch, mà bên cạnh khí hậu “như Đà Lạt” vì có độ cao tương ứng, thì những rừng xà nu cũng là một điểm nhấn, niềm tự hào mà người dân Măng Đen, Kon Tum khoe với du khách, khoe với hậu thế...

          Và vì thế, đành tin, rừng Tây Nguyên sẽ hồi sinh...



                                                                   



(Bài viết của tác giả Văn Công Hùng)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...